Nhà Gỗ Phúc Lộc

Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến: Truyền cái tâm trong từng thớ gỗ

(LV) – Suốt nhiều năm nay, nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) – một trong hai nghệ nhân gạo cội của làng mộc Chàng Sơn đã chạm khắc nên biết bao tác phẩm gỗ có giá trị, để lại dấu ấn riêng. Và cho đến bây giờ, dù đã ở tuổi lục tuần nhưng người nghệ nhân ấy vẫn son sắt một lòng với nghề “bụi bặm”.

Đam mê giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến sinh ra và lớn lên trên mảnh đất làng nghề, vì vậy ngay từ nhỏ, tiếng chàng, tiếng đục đã in sâu vào tiềm thức của ông. Ở tuổi 15, chàng trai trẻ Nguyễn Khắc Tiến đã theo cha học nghề làm mộc với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề của tổ tiên. Vốn chăm chỉ, cần mẫn, năm 17 tuổi chàng trai trẻ Nguyễn Khắc Tiến đã được truyền lại bộ môn điêu khắc và trở thành một phó mộc của gia đình. Theo nghệ nhân Tiến, nhiều năm trở về trước, việc phục dựng nhà cổ, di tích chưa được phổ biến rộng rãi như ngày nay. Vì thế, cũng như những nghệ nhân trong làng, ông chuyên tâm làm nghề mộc dân dụng. Những sản phẩm đầu tay của ông là chiếc bàn, ghế, kệ, tủ, giường, hoành phi, câu đối và cả đồ thờ…

Mặc dù đam mê nghề “bụi bặm” nhưng không biết bao lần nghệ nhân Tiến trở nên trắng tay, thậm chí khuynh gia bại sản vì nghiệp cơ đồ. Từ nghề mộc thủ công manh mún, ông Tiến cùng lãnh đạo địa phương trong vùng tìm hướng đi mới cho bà con bằng cách thành lập hợp tác xã. Năm 1980 – 1984, ông phụ trách truyền dạy nghề điêu khắc cho hợp tác xã. Chẳng mấy chốc, hợp tác xã làng nghề đã phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn động viên cho bà con tăng gia sản xuất. Chính vì thế ông cũng là một trong những người có công trong việc gây dựng làng nghề này.

Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến (áo trắng) đang truyền dạy nghề cho các thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến (áo trắng) đang truyền dạy nghề cho các thế hệ trẻ.

Những năm 1990, khi hợp tác xã giải thể, ông chuyển sang làm mộc cá thể. Từ nghề mộc dân dụng truyền thống của tổ tiên, ông cha để lại, người nghệ nhân ấy đã thay đổi tư duy, sáng tạo và nâng cấp thành thi công kiến trúc nhà cổ. Để có được những kinh nghiệm dựng nhà cổ, ông Tiến dành nhiều thời gian đi khắp mọi nơi, từ Nam ra Bắc để ghé thăm các di tích, những công trình nhà gỗ đặc sắc mang đậm chất vùng miền. Trước mỗi công trình, ông đều tìm hiểu về phong cách dựng nhà, lối thiết kế và ghi chép cẩn thận làm tư liệu riêng cho mình. Ngoài ra, ông còn cẩn thận đi khắp vùng tìm những người thợ mộc giỏi nghề, dày kinh nghiệm để về xưởng làm. Năm 1992, ông mở thêm một xưởng mộc ở Việt Trì với quy mô 50 nhân công. Thế nhưng sau gần 2 năm hoạt động, đội thi công nhà cổ và xưởng mộc phải giải thể. Biết bao vốn liếng đầu tư vào xưởng bỗng chốc tan biến. Từ hai bàn tay trắng trở về đất Chàng Sơn, được sự động viên của bạn bè, gia đình, ông quyết tâm gây dựng xưởng mộc một lần nữa. Và lần này, sự quyết đoán, bản lĩnh đã đưa ông trở thành nghệ nhân nhà gỗ thực thụ.

Cái tâm của người nghệ nhân

Bằng ngọn lửa đam mê với nghề mộc, ông cùng tốp thợ đã khắc nên những tác phẩm gỗ đặc sắc và đầy ấn tượng. Ngoài những công trình nhà gỗ ba gian, năm gian cổ truyền, ông tích cực tham gia tu bổ, phục dựng những công trình tâm linh như đình, chùa, đền. Những công trình của ông có mặt ở nhiều nơi, vùng miền. Trong đó phải kể đến những công trình nổi tiếng do ông thiết kế, chỉ đạo thi công như: Quần thể chùa Hà, chùa Trăm gian, Tháp chuông, Khuê Văn Các ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Tây Phương, Thủy đình (công trình trong Bảo tàng dân tộc Việt Nam)…

Qua bàn tay ông, ngoài những ngôi nhà cổ, hàng trăm mái đình, mái chùa được gọt đẽo một cách công phu, tinh xảo.

Công trình do nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến tham gia tu bổ, phục dựng.
Công trình do nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến tham gia tu bổ, phục dựng.

Vào những dịp cuối năm, xưởng mộc của ông trở thành “đại bản doanh” chuyên cung ứng và thi công các kiểu nhà gỗ: nhà gỗ 3 gian, nhà gỗ 5 gian, nhà gỗ cổ truyền, thi công nội thất nhà gỗ. Dù thi công kiểu nhà gỗ nào cũng vậy, ông Tiến luôn dày công đi tìm các nguyên liệu gỗ như gỗ mít, gỗ xoan, gỗ lim, gỗ hương. Trong đó gỗ mít được khách hàng ưa chuộng hơn cả. Bởi những ngôi nhà được dựng từ gỗ mít thường mang đến cảm giác gần gũi với thiên nhiên, gợi nhắc người ở nhớ về cố hương.

Suốt 40 năm đam mê nghiệp nhà gỗ, ông Tiến chia sẻ: “Làm nhà gỗ trải qua rất nhiều công đoạn, quy trình. Tuy nhiên bí quyết nhà nghề không chỉ nằm trong số các quy trình, công đoạn mà nó còn nằm ở cái tâm của người làm nghề. Dù ở công trình nào cũng vậy, đặc biệt là những công trình tâm linh nếu chỉ bằng tài hoa, trí tuệ vẫn chưa đủ mà còn phải có đam mê và cao hơn là phải có cái tâm. Mỗi một ngôi nhà đều phải chứa đựng giá trị, hồn cốt của nó. Và không ai tạo ra nó ngoài cái tâm của người nghệ nhân”.

Công trình do nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến tham gia tu bổ, phục dựng.
Công trình do nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến tham gia tu bổ, phục dựng.

Ngày ngày, ông cần mẫn, cầm tay chỉ việc truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ trong vùng. Với mong muốn không ngừng kế truyền và phát triển làng nghề mộc Chàng Sơn, ông luôn tâm niệm và truyền dạy cho thế hệ sau rằng: “Hãy đam mê với nghề, bằng cái tài và cái tâm. Nhưng hãy để cái tâm kia bằng ba cái tài”. Và cũng chính từ châm ngôn sống ấy, đã giúp ông trở thành nghệ nhân tài hoa giữa làng mộc truyền thống Chàng Sơn.

>Link báo: Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến: Truyền cái tâm trong từng thớ gỗ

0 0 votes
Đánh giá bài viết
Quét mã QR Zalo để được tư vấn và gửi báo giá chi tiết
mã qr Zalo Phúc Lộc
Theo dõi
Sắp xếp
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments